Thông tin

Giao dịch điện tử thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực tài chính

 (TBTCVN) – Các chính sách về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính đã được ban hành kịp thời, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Cải cách, giảm thiểu thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Đặc biệt năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 27 đã tạo ra bước đột phá trong cải cách về thủ tục hành chính trong hoạt động tài chính; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ cho giao dịch điện tử phát triển.

Cũng theo ông Hùng, trên cơ sở các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, như: các thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch điện tử trong từng lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, tài sản công, làm cơ sở pháp lý để ngành Tài chính triển khai hàng loạt các dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế và hải quan.

Tổng cục Thuế đã triển khai mở rộng hệ thống dịch vụ thuế trên mạng. Các ứng dụng phục vụ người nộp thuế đã được triển khai và nâng cấp thường xuyên để người nộp thuế có thể khai thác thông tin thuận lợi nhất phục vụ cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tự kê khai, nộp thuế và kiểm soát được tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, đồng thời tránh được rủi ro trong kinh doanh.

Qua số liệu thống kê từ Cục Tin học và Thống kê Tài chính cho thấy, 100% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố (bao gồm 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố với 100% chi cục) đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc tới cấp chi cục. Hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan, tạo tiền đề cho việc kết nối hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia với các bộ, ngành liên quan.

Kho bạc Nhà nước đã triển khai mở rộng các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng, triển khai việc gửi báo cáo qua phương thức điện tử, nhận và trả kết quả kiểm soát chi ngân sách nhà nước thông qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước (Internet online); nâng cấp hệ thống TABMIS theo mục lục ngân sách mới với việc dữ liệu được chuyển đổi và rút gọn làm giảm tải cho hệ thống, góp phần đảm bảo hiệu năng hệ thống phục vụ kịp thời nhu cầu chi trả ngân sách nhà nước đến các đơn vị sử dụng ngân sách và tập hợp nhanh chóng chính xác các khoản thu ngân sách nhà nước.

Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quan tâm, đến nay 95% các thủ tục hành chính của Ủy ban đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 95% các báo cáo thuộc các đối tượng quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được điện tử hóa và thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tạo cơ sở pháp lý và nền tảng công nghệ để phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính nói riêng và các giao dịch nói chung còn gặp những khó khăn, vướng mắc chủ yếu, như: Việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử chậm được triển khai; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ chưa phù hợp với đặc thù công nghệ thông tin;…

Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, tại văn bản trả lời đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý và xây dựng nền tảng công nghệ đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, phát triển Chính phủ điện tử nói chung và giao dịch điện tử nói riêng.

Trong năm 2019, tập trung hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tạo lập, quản lý và chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, định danh, xác thực điện tử, công tác văn thư, lưu trữ điện tử; hoàn thiện khung pháp lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử trong từng lĩnh vực chuyên ngành.

Cũng theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và áp dụng thống nhất một hệ thống quản lý văn bản và điều hành hoặc tổ chức kết nối, liên thông trong từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng kế hoạch ứng dụng chữ ký số và lộ trình sử dụng văn bản điện tử; liên thông giữa Hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động.

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button